Khủng hoảng Biển Đỏ đã đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, giá cước đang có xu thế sụt giảm. Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chung, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Phaata về xu thế này.

 

nguyen-hoai-chung-ceo-phaata

Ông Nguyễn Hoài Chung, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Phaata

– Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã ảnh hưởng ra sao đến các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam, thưa ông?

Khi khủng hoảng Biển Đỏ xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể phải đối mặt với 6 thách thức:

Thứ nhất, giá cước vận tải biển đi qua Biển Đỏ hoặc đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi đều tăng cao.

Thứ hai, chi phí bảo hiểm hàng hóa cũng tăng cao hơn, làm tăng thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ ba, để đảm bảo an toàn, các hãng tàu container đã chuyển hướng cho tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, thay vì đi qua kênh đào Suez như trước đây để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi châu Âu. Điều này khiến cho hành trình dài thêm khoảng 6.000 km và mất thêm khoảng 10 ngày.

Thứ tư, việc chậm trễ giao hàng có thể khiến nhà nhập khẩu hủy bỏ đơn hàng hoặc từ chối nhận hàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ năm, doanh nghiệp xuất khẩu có thể mất khách hàng/thị trường xuất khẩu ở châu Âu và Trung Đông, nếu họ không thể vận chuyển hàng hóa của mình một cách kịp thời và hiệu quả.

Thứ sáu, nhiều hãng vận tải đã hủy bỏ các chuyến tàu đi qua Biển Đỏ, thay đổi dịch vụ, lịch trình, chính sách… để ứng phó với khủng hoảng. Điều này làm xáo trộn trên thị trường, khiến cho việc tìm kiếm đối tác vận tải/logistics mới cũng trở nên khó khăn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Giá cước vận tải biển đang có xu hướng giảmGiá cước vận tải biển tuyến Hồ Chí Minh – Bắc Âu đang có xu hướng giảm. Nguồn: Phaata
 

– Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ thế nào, thưa ông?

Mặc dù bị ảnh hưởng từ khủng hoảng Biển Đỏ, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2024 vẫn tăng trưởng rất mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2024 đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng cao ở hầu hết các thị trường lớn và chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN; có đa dạng các nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nhóm hàng nông-lâm-thuỷ sản, và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản.

Trong đó, có đến 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và có 4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD; khu vực doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, tăng đến 26,2% so với cùng kỳ năm trước, cao gần gấp đôi so với khu vực FDI với mức tăng 13,9%.

Với đà này, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

– Thưa ông, tại sao giá cước vận tải biển đang có xu hướng sụt giảm bất chấp khủng hoảng Biển Đỏ. Ông có nhận định thế nào về giá cước vận tải biển trong thời gian tới?

Tình hình tiếp tục diễn ra căng thẳng, sang đến đầu tháng 1/2024, nhiều hãng tàu đã ngừng cung cấp dịch vụ đi châu Âu qua kênh đào Suez ở Biển Đỏ, hoặc cho tàu chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Điều này đã làm cho giá cước tăng đột biến trong thời gian qua, đạt đến mức đỉnh là 4.753 USD/40’GP vào tuần thứ 3 của tháng 1/2024 trên tuyến từ TP.HCM đi châu Âu, tăng 164,31% so với cùng kỳ năm 2023, theo dữ liệu Sàn giao dịch logistics Phaata.

Tuy nhiên, giá cước đã bắt đầu điều chỉnh giảm liên tục từ đầu tháng 2/2024. Đến nay, giá cước tuyến TP.HCM đi Bắc Âu đã giảm xuống mức 3.065 USD/40’GP trong tuần giữa tháng 4 vừa qua (tuần 15), giảm nhẹ 0,45% so với tuần trước đó, và đã giảm 9,78% so với tháng trước. Mặc dù đã sụt giảm, nhưng giá cước vẫn còn ở mức rất cao so với năm 2023. Cụ thể, giá cước container tuyến TP.HCM đi Bắc Âu trong tuần vừa qua vẫn cao hơn 110,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

So sánh giá cước vận tải biển tuyến Hồ Chí Minh - Bắc Âu năm 2023 và 2024

So sánh giá cước vận tải biển tuyến Hồ Chí Minh – Bắc Âu năm 2023 và 2024. Nguồn: Phaata
 

Giá cước có xu hướng giảm trong thời gian qua là do nhu cầu vận chuyển đã sụt giảm sau Tết Nguyên Đán. Các hãng tàu container đã chủ động điều chỉnh lại hoạt động vận hành cho hiệu quả hơn để ứng phó với khủng hoảng Biển Đỏ, góp phần giảm áp lực lên giá cước. Hiện nay, thị trường thương mại và vận tải biển quốc tế đang dần chấp nhận tuyến đường mới đi vòng qua Mũi Hảo Vọng để thay thế cho tuyến đường qua kênh đào Suez.

Tôi cho rằng đây là một trạng thái bình thường mới trong vận tải quốc tế mà các bên liên quan (bao gồm cả hãng vận tải, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu) buộc phải chấp nhận và điều chỉnh lại các hoạt động kinh doanh của mình để thích ứng cho đến khi khủng hoảng Biển Đỏ chấm dứt.

Theo tôi, giá cước trên tuyến TP.HCM-Bắc Âu có thể sẽ tiếp tục sụt giảm thêm nhưng tốc độ giảm sẽ chậm lại và duy trì ở mức giá trong khoảng 2.500-3.000 USD/40’GP cho đến hết quý 2 năm nay, nếu tình hình khủng hoảng Biển Đỏ vẫn còn và tàu vận chuyển container vẫn tiếp tục đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Nguồn:Phaata